Quy trình làm việc giữa chủ nhà và đơn vị thiết kế để ra hồ sơ thiết kế
Để ra được sản phẩm thi công thực tế thì bạn cần phải làm việc với đơn vị thiết kế, đó gọi là “giai đoạn thiết kế”. Sau đây, kienthucxaynha.com sẽ chia sẻ cho bạn quy trình làm việc thông thường giữa bạn (chủ đầu tư) với đơn vị thiết kế để có thể cho ra hồ sơ thiết kế phục vụ cho công tác thi công.
Giai đoạn 1: Lập phương án
Bước 1: Bạn cần phải chuẩn bị các giấy tờ pháp lý phục vụ cho việc thiết kế như sổ đỏ, sổ hồng, bản vẽ hiện trạng (nếu chưa có thì đơn vị thiết kế có thể hỗ trợ bạn phần này), giấy xin phép xây dựng (nếu có). Trường hợp chưa có giấy phép xây dựng thì cũng cần có các thông tin cơ bản như: số tầng được phép, khoảng lùi (nếu có), mật độ xây dựng khu vực. Nếu công trình bạn định xây dựng thuộc dự án thì bạn cần phải cung cấp cho đơn vị thiêt kế những quy định về hình thức kiến trúc, bản vẽ xin phép,…
Bước 2: Công trình của bạn thuộc loại công trình lớn như nhà cao tầng (từ 4 tầng trở lên), toàn nhà hoặc nằm ở khu vực có nền đất yếu, không ôn định thì bạn cần phải thực hiện lập hồ sơ khảo sát địa chất nhằm phục vụ cho công tác thi công kết cấu sau này.
Bước 3: Bạn sẽ cho đơn vị thiết kế biết được nhu cầu của bạn (ví dụ như số phòng, loại phòng, qui mô, phong cách kiến trúc, …) và nếu bạn sử dụng phong thủy thì cũng phải cung cấp cho kiến trúc sư biết được các hướng của vật dụng (ví dụ: hướng bếp, đầu giường ngủ, cửa, …) mà bạn mong muốn.
Bước 4: Kí hợp đồng thiết kế 2 bên với các điều khoản đã được thống nhất 2 bên về giá cả, thời gian, nội dung dựa trên diện tích tạm tính ban đầu (một số đơn vị thiết kế khoán luôn diện tích ban đầu này sẽ là diện tích thực hiện hợp đồng luôn)
Bước 5: Trong khoảng 5-10 ngày sau, đơn vị thiết kế sẽ trao đổi với bạn về bản thiết kế sơ bộ mặt bằng bố trí công năng. Lúc này bạn và đơn vị thiết kế sẽ bàn bạc để chọn ra phương án tối ưu, hiệu quả và phù hợp với nhu cầu của bạn nhất. Thông thường đơn vị thiết kế sẽ có 1-2 phương án cho bạn lựa chọn.
Bước 6: Tiếp tục sau đó khoảng 10-15 ngày, đơn vị thiết kế sẽ trao đổi với bạn về phối cảnh 3D, phong cách kiến trúc được thiết kế dựa trên mặt bằng đã thống nhất ở bước 5. Ở bước này trước đó bạn nên nói cho đơn vị thiết kế biết được phong cách kiến trúc/nội thất mình yêu thích cho ngôi nhà của mình.
Một vài lưu ý kienthucxaynha.com muốn lưu ý cho bạn ở giai đoạn này:
- Bạn nên thống nhất phương án của từng bước, tránh phát sinh thay đổi sau này. Tất cả các bước đều được liên kết với nhau thành một quy trình, nếu có sự thay đổi thì quy trình phải chạy lại từ đầu. Ví dụ đã có phương án của bước 6 nhưng bạn lại muốn thay đổi phương án bước 5 thì buộc bên thiết kế phải thiết kế lại bước 5 và sau đó lại thiết kế một lần nữa bước 6 để phù hợp với phương án mới.
- Về giấy phép xây dựng. Nếu bạn đã xin giấy phép xây dựng thì bạn cung cấp cho đơn vị thiết kế để họ dựa vào đó lên phương án cho bạn. Nếu bạn chưa xin giấy phép xây dựng thì bạn nên dùng phương án đã chốt để đi xin giấy phép xây dựng.
Giai đoạn 2: Triển khai hồ sơ thiết kế kĩ thuật để thi công
Bước 1: Hồ sơ thiết kế sẽ được triển khai trong khoảng 15-25 ngày tùy vào quy mô công trình. Hồ sơ thiết kế bao gồm 3 hạng mục chính: kiến trúc, kết cấu và điện nước.
Bước 2: Đơn vị thiết kế bàn giao cho bạn bộ hồ sơ thiết kế kèm biên bản bàn giao và yêu cầu thanh toán giai đoạn theo như hợp đồng đã kí ở giai đoạn 1.
Bước 3: Nếu có chỉnh sửa, bạn ghi lại các hạng mục cần chỉnh sửa và giao lại cho đơn vị thiết kể để hoàn thiện bộ hồ sơ thiết kế kĩ thuật thi công
Nếu có nhu cầu thiết kế nội thất thì sẽ được triển khai sau Bước 3 này, quy trình làm việc tương tự.
Bước 4: Sau khi chỉnh sửa (nếu có), đơn vị tư vấn sẽ bàn giao hồ sơ chính thức cho chủ nhà. Hồ sơ này sẽ được đóng dấu pháp nhân của đơn vị thiết kế và làm cơ sở để thực hiện thi công công trình.
Một vài lưu ý kienthucxaynha.com muốn lưu ý cho bạn ở giai đoạn này:
- Nếu có chỉnh sửa hồ sơ thiết kế thì bạn nên xin tư vấn từ kiến trúc sư, kỹ sư, đơn vị hoặc cá nhân có chuyên môn.
- Chỉ chính sửa chi tiết các thiết kế về nội thất, điện nước. Không chỉnh sửa phần khung chính công trình đã chốt ở giai đoạn 1.
- Hồ sơ thiết kế kĩ thuật sẽ là cơ sở cho trách nhiệm pháp lý nếu xảy ra sự cố khi thi công.
- Hồ sơ thiết kế bàn giao sẽ xuất thành nhiều bản giống nhau. Có đóng dấu, kí tên pháp nhân và pháp lý rõ ràng và bàn giao cho bạn, đơn vị thiết kế, đơn vị thi công cùng giữ.
Trên đây đây là quy trình làm việc giữa chủ đầu tư và đơn vị thiết kế để ra được sản phẩm là hồ sơ thiết kế phục vụ công tác thi công. Hi vọng kienthucxaynha.com giúp bạn nắm được quy trình từng bước để quá trình của bạn diễn ra thuận lợi, suông sẻ. Nếu có thắc mắc bạn có thể liên hệ kienthucxaynha.com tại mục “theo dõi” để được giải pháp.
Nguồn: https://kienthucxaynha.com/quy-trinh-lam-viec-voi-don-vi-thiet-ke-de-lap-ho-so-thiet-ke/